Ngoài việc tạo điều kiện cho con phát triển khỏe mạnh cao lớn, các bà mẹ cũng rất quan tâm loại sữa nào sẽ giúp con thông minh.
Không chỉ các loại sữa bột (sữa công thức) chứa các thành phần dinh dưỡng hỗ trợ phát triển trí não cho con mà những loại sữa khác: sữa chua, sữa tươi (thanh trùng và tiệt trùng) cũng rất tốt.
1. Lựa chọn giữa sữa chua và váng sữa
Sữa chua được tạo ra bằng cách lên men lactose (một loại đường có trong sữa). Chế phẩm từ sữa này rất tốt cho trẻ vì nó cung cấp lượng lớn vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp kích thích và hỗ trợ hấp thu. Khi trẻ đạt được 1 tuổi cho đến 9 tuổi mẹ nên cho trẻ ăn sữa chua mỗi ngày một đơn vị (tương đương 1 hộp sữa chua)
Sau quá trình lên men, trong sữa chua chứa đựng rất nhiều vi khuẩn có lợi cho đường ruột, do đó, sữa chua xuất hiện dưới dạng đông. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loại sữa chua thay vì làm đông nhờ quá trình lên men, thì lại dùng thêm phụ trợ là gelatine. Như vậy, những sản phẩm đó không còn mang những “tính chất” có lợi của sữa chua mà chỉ là bột sữa pha trộn với hương liệu và thêm vào chất chua mà thôi. Đó là lí do mẹ nên tự làm sữa chua ở nhà cho bé, vừa đảm bảo vệ sinh vừa tốt cho con. Nếu mẹ không có thời gian và quyết định mua ngoài thì nên chú ý nhãn sữa chua, nếu trong nguyên liệu có gelatine thì mẹ nên bỏ qua và chọn loại khác. Sữa chua tạo thành nhờ quá trình lên men mới có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tăng hấp thu cho con.
Những bà mẹ nào đã từng làm sữa chua ở nhà cho con sẽ biết rằng: khi sữa chua làm hỏng, không đông là do không đủ men, hoặc men chết. Khi đó sữa sẽ ở dạng nước và chua ít hơn hẳn so với sữa chua được làm tốt dù thời gian ủ như nhau.
Theo đó, các loại sữa chua uống trên thị trường thực chất trong thành phần chủ yếu là bột sữa + nước + vị chua từ hóa chất + hương liệu và rất nhiều đường. Như vậy đây chỉ là một dạng nước giải khác vị sữa chua và không có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa hay bổ sung lợi khuẩn, thức uống này mẹ chỉ nên cho trẻ uống đổi vị và không uống thường xuyên, loại sữa chua tốt nhất vẫn là sữa chua qua quá trình lên men đã đông lại.
Nói về váng sữa: thực chất váng sữa là một dạng pudding cream, là món ăn được làm từ bột, thêm chất béo, hương liệu. Váng sữa cung cấp một lượng chất béo tốt, ăn nhiều váng sữa không cung cấp lượng canxi giúp bé phát triển chiều cao như sữa và cũng không có nhiều tác dụng hỗ trợ tiêu hóa như sữa chua. Bé dưới 9 tháng, khả năng tiêu hóa chất béo kém, lạm dụng váng sữa sẽ khiến con nhanh đầy bụng, khó hấp thu hay ăn món khác, thành ra hại chứ không lợi. Tốt nhất, mẹ nên cho ăn khi bé được 1 tuổi và chỉ nên ăn thêm váng sữa khoảng 1 lần 1 tuần mà thôi.
2. Lựa chọn giữa sữa bột và sữa tươi
Thông thường, trẻ dưới 6 tháng thì sữa sẽ là món ăn chủ đạo hoàn toàn, từ 6 tháng tới 12 tháng, sữa là thực phẩm chính, trẻ sẽ được ăn dặm thêm. Trên lý thuyết, bé từ 12 tháng thì 3 bữa ăn hàng ngày mới là chính, sữa là phụ thêm. Và từ 12 tháng, bé có thể tiêu hóa được hoàn toàn đạm sữa nguyên chất trong sữa tươi.
Vì vậy, nếu bé không thích uống sữa bột công thức và cơ thể của bé không bị dị ứng với đạm sữa bò thì có thể để bé chuyển sang sữa tươi để làm phong phú nguồn dinh dưỡng và cung cấp lượng canxi hữu cơ dồi dào.
Tuy nhiên, hàm lượng sắt trong sữa tươi khá thấp cho nên nếu mẹ cho bé uống sữa tươi thì cần cho con ăn thêm các loại thực phẩm khác chứa nhiều chất sắt như rau cải bó xôi, gan, thịt gà, thịt bò, sò, các loại hạt, lòng đỏ trứng gà,… trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ.
Các sản phẩm sữa bột thì cũng có 2 loại đó chính là sữa bột (hay sữa tươi dạng bột) và sữa bột công thức (loại này thường phổ biến ở Việt Nam và phù hợp cho những đứa trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò). Các loại sữa công thức giúp trẻ phát triển trí não thường chứa DHA, ALA, ALA và đôi khi sẽ được bổ sung thêm Choline giúp mắt bé tinh anh.
Như vậy, trẻ từ 1 tuổi có thể chọn lựa uống sữa tươi hay sữa bột đều tốt nhưng cần được uống đúng cách và hàm lượng phù hợp. Mẹ nên lưu ý rằng sữa tốt nhưng không thể thay thế bất kì thức ăn do đó mẹ cần bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm khác để cân bằng dinh dưỡng cho con.