Nếu trước đây con bạn ăn tốt, nhưng bây giờ lại không, thì chuyện gì đang xảy ra? Con ốm? Mọc răng? Hay căng thẳng? Bất cứ điều nào trong số các điều trên đều có thể là nguyên nhân khiến trẻ vốn đang ăn tốt cũng không mấy hứng thú với thức ăn nữa.
Tuy nhiên, cha mẹ không cần quá lo lắng, vì các nghiên cứu gần đây đã kết luận là có tới 30% trẻ từ 4 đến 5 tuổi hoặc là kén ăn, hoặc là ăn không nhiều. Khi lên 5, trẻ ăn ít thường thấp hơn và nhẹ cân hơn một chút so với những trẻ khác, nhưng đồng thời các bé đó cũng là những trẻ bé hơn khi sinh, có nghĩa là lúc nào con cũng cần ít thức ăn hơn. Nói cách khác, so sánh tương quan về kích thước, trẻ ăn ít không hẳn tiêu thụ ít đồ ăn hơn các bạn đồng lứa. Tuy nhiên có một khác biệt rõ rệt đó là: Trẻ ăn ít hấp thụ nhiều calo từ các món ăn vặt hơn là món ăn chính, vì thế, điều thậm chí còn quan trọng hơn ăn bao nhiêu đó là cha mẹ cần phải luôn sẵn thật nhiều đồ ăn vặt lành mạnh cho con.
Vì sao ba mẹ không cần quá lo lắng?
Một nghiên cứu kinh điển được thực hiện nhiều thập kỷ trước bởi bác sỹ Clara Davis, người chuyên nghiên cứu sở thích ăn uống của bé sơ sinh và bé lớn, đã chỉ ra rằng, nếu được phép lựa chọn, ngay cả trẻ nhỏ cũng chọn được chính xác thứ con cần để có một thực đơn cân bằng. (Và bạn có biết không? Những món ăn yêu thích được trích dẫn trong nghiên cứu đã được tiến hành từ lâu này cũng chính là những món mà con của bạn bây giờ cũng ưa thích, như: sữa, trứng, chuối, táo, cam và bột yến mạch. Món ăn không được yêu thích nhất là rau, đào, dứa, gan và cật – chẳng có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả!)
Thỉnh thoảng con có thói quen ăn uống rất kỳ lạ! Lý do là gì?
Dưới đây là trích đoạn bài viết của mẹ Callie, có con 2 tuổi rưỡi và “cực kỳ cục” trong ăn uống. Calli cho biết mặc dù con cô, Devon là “một cậu bé tuyệt vời, đáng yêu, tình cảm và hài hước”, tuy ban đầu ngày phải phát điên về hành vi của con với thức ăn, tuy nhiên, cô dần chấp nhận rằng đây là một tính cách riêng biệt của con mà không thực sự có bất kỳ ảnh hưởng nào cho sự phát triển của bé cả.
Ban đầu, bất cứ khi nào Devon ăn, và thức ăn của con bị gãy hoặc bị đứt – chẳng hạn như quả chuối hoặc miếng ngũ cốc bị vỡ làm đôi – con sẽ không chịu ăn nốt phần còn lại. Có bé nhà ai ăn uống kỳ cục như vậy không?
Có bé nào không ư? Xin thưa là thực ra rất nhiều bé như vậy. Các bà mẹ đáp lời Callie rằng: Có bé sẽ suy sụp nếu “bị” mẹ cho ăn bánh vỡ, bé khác lại không chịu ăn món “hỗn hợp” kiểu như món hầm hoặc món kho, có bé lại chỉ ăn lát bánh mì bên trên chứ không ăn miếng dưới cùng. Một số trẻ khăng khăng ăn thức ăn theo một thứ tự nhất định – chẳng hạn, có bé nhất định phải bắt đầu bữa ăn bằng một miếng chuối. Hoặc con có những nguyên tắc nghiêm ngặt về loại thức ăn được mẹ đưa ra, loại thức ăn đó phải không chạm vào nhau, hoặc phải được đựng bằng một chiếc bát hoặc chiếc đĩa đặc biệt nào đó. Có vô số kiểu “ăn” khác nhau.
Tại sao chuyện đó xảy ra, tất cả chỉ là phỏng đoán của mỗi người! Chúng ta đều là con người, và chúng ta đều có tính lập dị. Cũng có thể thói quen ăn uống kỳ dị là “truyền thống” trong gia đình. Điều duy nhất tôi có thể chắc chắn là cuối cùng thì giai đoạn ăn uống kỳ dị này cũng sẽ qua mà thôi.
Do đó, những vấn đề như trên không có gì phải lo lắng cả. Ngược lại, nếu Callie phản ứng quá mạnh và dành quá nhiều nỗ lực để “sửa” ác cảm của Devon với các món ăn bị gãy hoặc bị vỡ, thì nhiều khả năng cô có thể còn làm tình huống đó tồi tệ thêm, đó cũng là điều quan trọng mà các mẹ cũng phải ghi nhớ nhé.