Đến một giai đoạn nào đó khi trẻ đã lớn và cứng cáp hơn, sữa mẹ sẽ không còn cung cấp đủ những dưỡng chất thiết yếu cho trẻ. Chính vì thế mà đây là lúc cần phải cho trẻ cai sữa để hấp thu các loại dinh dưỡng khác.
Nên cai sữa vào lúc nào?
Trẻ trước 4 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn, không cần thêm bất cứ thức ăn, nước và đồ uống nào khác. Sau khi trẻ đủ 4 tháng tuổi, dù sữa mẹ tiết ra nhiều hay ít cũng nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm, thực đơn đơn giản như bột và các món dễ tiêu hóa như lòng đỏ trứng gà, rau nghiền nát… để đề phòng thiếu máu, đồng thời chuẩn bị cho việc cai sữa sau này.
Nhìn chung, trong trường hợp đã bổ sung thêm thức ăn phụ thì trẻ bú mẹ có thể kéo dài tới lúc 2 tuổi, còn bình thường cai sữa khi trẻ được 10-12 tháng tuổi là thích hợp nhất. Lúc này, cơ quan tiêu hóa của trẻ đang dần dần hoàn thiện, chức năng nhai và tiêu hóa đang mạnh lên, có thể thích ứng với việc cai sữa.
Trẻ cơ thể yếu có thể kéo dài thêm thời gian bú, để tránh làm giảm sức đề kháng của trẻ. Trong trường hợp người mẹ bị bệnh nặng nên lập tức cho trẻ cai sữa. Cai sữa có nghĩa là thay đổi thói quen sống của trẻ, do vậy chọn mùa để cai sữa cần thận trọng.
Mùa hè trẻ ra mồ hôi nhiều, chức năng tiêu hóa dạ dày, ruột yếu, thức ăn dễ biến chất, khiến trẻ bị tiêu chảy, tiêu hóa kém; mùa đông khí hậu rét buốt, trẻ dễ bị lạnh, cảm lạnh, thậm chí mắc bệnh viêm phổi. Tốt nhất nên chọn mùa xuân ấm áp và mùa thu mát mẻ để cai sữa.
Những vấn đề thường gặp sau khi cai sữa
-
Bé không thích ăn thức ăn phụ.
Khi bé không thích ăn, nhất thiết không được ép, cần quan sát kỹ để tìm ra nguyên nhân, liệu có phải thức ăn quá mềm hoặc cứng hay quá lạnh, quá nóng, không thích hợp với bé không? Khẩu vị thường là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới việc ăn uống của trẻ.
Do vậy, thức ăn phụ cần hợp khẩu vị, không nên trộn lẫn những thứ mà người lớn cho là có dinh dưỡng cho trẻ ăn. Ngoài ra, trước khi cho trẻ ăn thức ăn phụ, nhất thiết cần để trẻ đói một chút, nhưng nếu để trẻ đói quá thì dù trước đó không cho trẻ uống sữa trẻ cũng cự tuyệt không ăn thức ăn.
-
Trẻ không ăn ngay sau khi chế biến
Cần chọn nguyên liệu tươi ngon để đảm bảo cho trẻ đủ dinh dưỡng, ngon miệng. Sau khi làm xong cố gắng cho trẻ ăn luôn, không để qua đêm.
-
Sau khi ăn thức ăn phụ trẻ bị đi ngoài
Lúc mới đầu, phân sẽ có sự thay đổi do thức ăn thay đổi, có trẻ còn bị tiêu chảy. Lúc này nên quan sát kỹ số lần đi ngoài của trẻ. Nếu mỗi ngày ít hơn 4 lần, ăn uống vẫn bình thường, tình trạng bình thường, không sốt, không nôn, phân đơn thuần chỉ hơi lỏng, thì có thể giữ nguyên hiện trạng, không cần tăng thêm các loại và số lượng thức ăn phụ.
Nếu số lần đi ngoài tăng nhiều, hậu môn đỏ, tinh thần mệt mỏi, có thể tạm thời dừng thức ăn phụ. Nếu vẫn không có chuyển biến tốt nên đưa trẻ đi khám. Có trẻ đi ngoài có cả các loại rau hoa quả, cũng không hẳn là do tiêu hóa không tốt, chỉ cần tình trạng của trẻ bình thường thì mọi thức ăn rau hoa quả đều sẽ được “tán nát” ra thôi.
-
Trẻ bị phát ban
Trẻ ăn loại thức ăn không phù hợp thì phát ban càng nặng, như ăn trứng gà, cá, tôm… Tình trạng này liên quan đến phản ứng do quá mẫn cảm đối với một loại thức ăn nào đó, có thể cho trẻ tạm ngừng ăn loại thức ăn đó.
-
Mẹ cho trẻ ăn thức ăn nhanh
Sau khi trẻ dần dần tăng cường thức ăn phụ thì lại gặp phải một vấn đề khác, đó là tự mình chế biến thức ăn hay là ra chợ mua thức ăn sẵn? Nếu người mẹ có thời gian hoặc có người giúp thì tốt nhất nên mua nguyên liệu tươi ngon về “làm ngay ăn ngay”.
Nếu không có thời gian hoặc không có ai giúp cũng có thể chọn thức ăn sẵn. Nhưng cần chú ý, chọn loại thực phẩm cân bằng dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn, nhất thiết không được gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của trẻ chỉ vì muốn tiện lợi.
Khi chuyển qua giai đoạn ăn dặm – cai sữa, đa phần các bé sẽ trải qua 1 quá trình thích nghi với chế độ dinh dưỡng mới. Vì thế, các mẹ cần để ý hơn đến bé, tránh trường hợp mẫn cảm hoặc do không hợp đồ ăn mà mắc các loại bệnh về sau.