Những ai quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng có lẽ đều đã nghe qua cái tên acid folic. Hãy cùng tìm hiểu tác dụng của chất này đối với mẹ bầu và thai nhi nhé!
Vai trò của acid folic
Những tuần đầu thai kì, trứng được thụ tinh phân chia tế bào rất nhanh để hình thành các mô tổ chức, trong đó có thần kinh đốt sống. Nếu thiếu acid folic sẽ bị tật “nứt ống thần kinh đốt sống”, để lại di chứng cho thai nhi. Một tổng hợp nghiên cứu tại Mỹ cho biết: khi mang thai, nếu nồng độ acid folic trong máu là 150ng/ml thì xác xuất con bị dị tật “nứt ống thần kinh đốt sống” là 0,66% nhưng nếu nồng độ acid folic trong máu là 400ng/ml thì xác xuất này chỉ còn 0,08%. Dùng acid folic bổ sung, đưa lượng folat trong máu lên nồng độ 475mcg/L, dị tật “nứt ống thần kinh đốt sống” giảm đi 41% so với khi nồng độ trong máu cảu folat chỉ ở mức 67 mcg/L.
Acid folic được khử thành chất trung gian (tetrahydrofolate), giúp cho nhiều quá trình chuyển hóa, trong đó có quá trình tổng hợp nucleotide có nhân purin hoặc pyrimidin, ảnh hưởng đến sự tổng hợp DNA, RNA, là những yếu tố cần thiết cho sự sống. Một ví dụ: tình trạng thiếu acid folic sẽ cản trở sự tổng hợp DNA và phân chia tế bào tạo máu, từ đó gây nên bệnh thiếu máu megaloblastic (đặc trưng bởi các tế bào máu lớn, chưa trưởng thành, màu đỏ).
Vì có vai trò tổng hợp ra nhân purin, pyrimindin nên acid folic là yếu tố không thể thiếu được trong việc tạo ra hồng cầu. Acid Folic kết hợp với vitamin B12 đucợ chỉ định dự phòng điều trị các bệnh thiếu máu ác tính (Biermer), thiếu máu trong thai sản, hậu sản, thiếu máu do bị bệnh sprue nhiệt đới (suy dinh dưỡng do tiêu chảy mỡ), thiếu máu nhược sắc do rối loạn gan, tụy, thiếu máu dinh dưỡng.
Do đó, bà mẹ cần dùng acid folic để tránh cho con bị dị tật, tránh thiếu máu ảnh hưởng đến thai.
Vì sao thiếu acid folic?
Acid folic có trong thực phẩm, dưới dạng muối folat, rất dễ hấp thu. Tuy nhiên folat không bền, dễ bị mất mát trong quá trình bảo quản, chế biến. Ở Mỹ người ta tính, nếu ăn đủ lượng thực phẩm tính ra đạt 400mcg/ngày, thì trong thực tế cơ thể chỉ hấp thu 200mcg/ngày, do hơn 50% acid folic bị biến mất trong khi chế biến. Cách chế biến hầm nhừ thức ăn ở Âu Mỹ càng làm cho việc mất acid folic tăng lên.
Nước ta có nguồn thức ăn chứa nhiều acid folic (cải, xà lách, cải bông, măng tây, đậu nành, đậu Hà Lan, khoai tây, khoai lang, cà rốt, củ cải, bơ, táo, chuối, dâu, nho, mơ, cam, bưởi). Cách chế biến lại ít mất acid folic hơn (không hầm nhừ), có chế biến dưới dạng xào (nhiệt độ thấp, thời gian ngắn), ăn sống (rau sống, hoa quả tươi) nên lượng acid folic ít bị mất đi hơn, đôi khi được bảo toàn nguyên vẹn. Nếu ăn đủ lượng rau củ quả thì sẽ đủ lượng acid folic cần thiết mà không cần thiết phải cho chất này vào lượng thực.
Một nguồn bổ sung acid folic nữa là sữa (loại đã được bổ sung thêm chất này). Nếu các bà bầu uống sữa theo cách thông thường, ta đã có thể bổ sung khoảng 100mcg acid folic, cộng thêm với lượng acid folic có trong thức ăn là đã có thể đáp ứng được nhu cầu acid folic của cơ thể.
Với những tác dụng của acid folic kể trên, hi vọng các bà bầu có thể biết cách bổ sung chất dinh dưỡng này vào chế độ ăn hằng ngày cho mình để nuôi dưỡng cơ thể và thai nhi khỏe mạnh và đủ chất.