Với những bé ngay từ đầu không chịu ngồi vào ghế ăn và cứ thế mỗi lần đến giờ ăn là mẹ lại cảm thấy khó chịu và bực tức vì phải vật lộn với con, và con càng kháng cự mạnh hơn. Khiến bữa ăn gia đình trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
1. Biểu hiện thường thấy ở trẻ trong các bữa ăn
Hình ảnh mẹ đuổi theo con khắp phòng, tay nhăm nhăm thìa cháo với hi vọng có thể đút được vào miệng con chắc đã không còn xa lạ với những bà mẹ có con nhỏ. Nhưng ít ai biết cách tốt nhất trong trường hợp này là tìm hiểu tại sao con ghét ghế ăn đến như vậy, sau đó mới từ từ cho con làm quen lại.
Một điều quan trọng nữa là cha mẹ cần hiểu và cảm thông với sự sợ hãi hoặc do dự của trẻ. Nếu con bạn đá chân, khom lưng lại hoặc la hét đòi ra khi bạn đặt con ngồi vào ghế, thì hãy bế con ra ngay lập tức. Hãy nói “Mẹ thấy là con vẫn chưa sẵn sàng để ăn”. Hãy thử lại sau 15 phút. Đôi khi vấn đề lại nằm ở chỗ cha mẹ không cho trẻ làm quen với việc thay đổi lịch trình. Ví dụ: lôi con ra khỏi một hoạt động nào đó và ấn con ngồi vào ghế ăn thực chất thể hiện sự thiếu tôn trọng đến hoạt động và ý chí của con.
2. Cách tập cho trẻ ngồi vào bàn ăn
Bạn cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ sợ ngồi vào bàn ăn, nếu con bạn gần như bị ám ảnh bởi ghế cao vì đã có liên hệ tiêu cực về nó, hãy lùi vài bước. Lại cố gắng biến những bữa ăn thành thời gian thưởng thức tuyệt vời. Hãy bắt đầu bằng cách cho con ngồi lên đùi mẹ để ăn. Sau đó chuyển dẩn sang tư thế ngồi cạnh, dùng bàn bé dành cho trẻ hoặc dùng ghế nâng ở bàn dành cho người lớn. Mẹ có thể thử dùng lại ghế ăn sau vài tuần làm như vậy, nhưng nếu con vẫn kháng cự, có lẽ chiếc ghế nâng là sự lựa chọn cuối cùng. Dù sao thì vòng đời của ghế ăn cũng rất ngắn – chỉ từ 6 đến 10 tháng. Từ 1 tuổi đến 18 tháng tuổi, nhiều trẻ thích ngồi ghế nâng cùng ăn với cả gia đình.
Việc cho con ăn cùng cả gia đình thường góp phần thúc đẩy không chỉ hành vi hợp tác mà còn phát triển hứng thú tự ăn ở trẻ. Nếu con có vẻ không thích tự ăn, hãy tự kiểm điểm bản thân cha mẹ trước: thái độ như thế nào với việc con tự ăn? Hoặc trong khi ăn, mẹ có vội gì không? Mẹ có lo lắng về tình trạng bừa bộn con sau khi tự ăn không? Nếu mẹ thiếu kiên nhẫn, liên tục lau tay lau chân cho con, hoặc liên tục lau chùi khay đựng thức ăn trên ghế ăn trong khi con vẫn đang ăn, thì chẳng mấy chốc con sẽ nhận ra việc ăn uống này chẳng có gì thú vị. Thế thì làm sao mà con muốn tự ăn được chứ?
Ngoài ra, trẻ 1 tuổi đều có thể tự ăn bằng tay (ăn bốc), chứ không phải bằng thìa (tự xúc). Nếu con vẫn chưa bắt đầu tự ăn bằng tay, hãy để thức ăn vào khay của con, và con sẽ hiểu phải làm gì. Dùng thìa hoặc dĩa là một việc phức tạp hơn. Hãy nghĩ xem việc đó đòi hỏi những kỹ năng gì: sự khéo léo để cầm được thìa, luồn nó xuống dưới thức ăn, rồi lại phải nâng lên mà không làm đổ và cuối cùng là đút vào miệng. Hầu hết trẻ đều không thể bắt đầu những chuyển động đó cho tới 14 tháng tuổi.
Trước đó, bạn có thể đưa thìa cho con chơi, con sẽ thử nhét thìa vào miệng. Khi thấy như vậy, hãy bắt đầu cho thức ăn vào thìa cho con – lý tưởng nhất là bột yến mạch đặc có thể dính vào thìa. Một lúc nào đó trong khoảng từ 14 đến 18 tháng tuổi, con sẽ bắt đầu đút thức ăn vào đúng miệng mình.
Hiển nhiên là trẻ con rất thích ném đồ. Đây là hành động đặc trưng của trẻ. Con không có khả năng phân biệt được rằng ném một quả bóng và ném một cái xúc xích là rất khác nhau. Nếu con chưa được 1 tuổi, việc ném đồ không phải có mục đích thu hút sự chú ý của mẹ, do đó mẹ không nên làm to chuyện mặc dù vẫn cần nên nói/ làm rõ với con rằng mẹ không thích hoặc không chấp nhận được việc con ném thức ăn.
Tham khảo thêm tại đây cách nuôi con hiệu quả.