Vấn đề chọn lựa thực phẩm và ăn uống khoa học hợp lý luôn được những phụ nữ mang thai quan tâm đặc biệt. Có khi dù đã tuân thủ theo một danh sách dài thói quen ăn uống hợp lý nhưng những thực phẩm gây nguy hại cho thai nhi mà chúng tôi kể tên dưới đây có thể làm mẹ bầu bất ngờ đấy!
Hạt Bobo
Bo bo hay còn gọi là hạt ý dĩ, vừa là một loại thuốc vừa là một loại thực phẩm. Thực nghiệm dược lý đã chứng minh: Bo bo có tác dụng gây hưng phấn cơ trơn tử cung, có thể gây co tử cung, vì thế có thể dẫn tới khả năng sảy thai.
Rau sam
Rau sam (còn có tên gọi là Mã xỉ hiện) vừa là một loại thảo dược, vừa là một loại rau ăn thường ngày. Rau sam có tính hàn, lợi tiểu tiện, tẩy giun kim. Thực nghiệm chứng minh: nước ép rau sam có tác dụng gây hưng phấn tử cung rõ rệt, có khả năng co thắt tử cung, số lần càng nhiều, cường độ càng lớn, dễ gây sảy thai.
Rau chân vịt
Mọi người cho rằng, rau chân vịt có chứa hàm lượng sắt phong phú, có chức năng bổ huyết, vì vậy được coi là loại rau có tác dụng tốt trong phòng chống bệnh thiếu máu trong thời gian mang thai. Thực ra, hàm lượng sắt trong rau chân vịt không nhiều, nhưng lại chứa một lượng lớn axít ôxalic. Axít ôxalic có thể ảnh hưởng tới sự hấp thụ chất kẽm và canxi. Phụ nữ mang thai ăn quá nhiều rau chân vịt, sẽ làm giảm hàm lượng canxi và kẽm trong cơ thể, ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
Gan lợn
Các nhà khoa học tại Phần Lan và Mỹ đã đưa ra lời khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên ăn ít gan lợn. Vì trong thức ăn gia súc hiện nay có chứa quá nhiều thuốc tăng trọng, trong đó hàm lượng vitamin A rất cao, dẫn đến sự tích luỹ vitamin A trong gan động vật. Phụ nữ mang thai ăn gan lợn, hấp thụ một lượng lớn vitamin A vào cơ thể, dễ gây nguy hiểm đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí làm cho thai nhi dị dạng.
Trái sơn trà
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thường nảy sinh hàng loạt sự thay đổi sinh lý. Trong đó có một chất gây nên triệu chứng buồn nôn và thèm chua ở phụ nữ mang thai gọi là hormon hướng sinh dục nguồn gốc nhau thai (HCG), chất này được phân tiết từ nhau thai, có thể ức chế sự phân tiết vị toan trong cơ thể, hạ thấp hoạt tính dung môi tiêu hoá, làm cho chức năng tiêu hoá của phụ nữ mang thai giảm sút, xuất hiện hiện tượng chán ăn, buồn nôn, ói mửa,… đây gọi là “phản ứng thời kỳ đầu”. Cho nên, phụ nữ mang thai thường hay ăn các thực phẩm có vị chua để bổ sung phần thiếu của vị toan, nhằm giảm triệu chứng buồn nôn, ói mửa, chán ăn,…
Mặc dù, thực phẩm có vị chua có thể làm giảm triệu chứng buồn nôn, ói mửa,… ở phụ nữ mang thai, nhưng không phải tất cả thực phẩm có vị chua đều thích hợp với phụ nữ mang thai. Sơn trà chính là một trong những thực phẩm có vị chua mà phụ nữ mang thai không nên ăn, vì sơn trà có thể kích thích sự co thắt tử cung, gây sảy thai. Ngoài sơn trà, phụ nữ mang thai có thể yên tâm lựa chọn hoa quả tươi, có vị chua, mùi đậm và dinh dưỡng phong phú, như cà chua, anh đào, quýt, nho, táo,…
Còn rất nhiều loại thực phẩm cần hạn chế cũng như tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng, vì thế để thai kỳ luôn được khỏe mạnh và hậu sản không ảnh hưởng xấu thì mẹ bầu hãy trau dồi thường xuyên các kiến thức về dinh dưỡng, sữa dành cho bà bầu, thực phẩm tốt, thực phẩm cần tránh….và cũng đừng quên xây dựng một sinh hoạt lành mạnh nhé!