Rèn luyện sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh không những cần thiết cho thể chất của người mẹ mà còn quan trọng với sự phát triển cho bé yêu trong bụng nữa đấy.
Vậy, cần rèn luyện những gì để có một thai kỳ khỏe mạnh?
1. Thay đổi thói quen ăn uống và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Đừng quá lo lắng nếu bạn không biết cách làm những việc này, bởi khi mang thai và đi khám thì hầu hết các các sỹ sẽ thảo luận với bạn về chế độ dinh dưỡng bạn nên tuân thủ khi mang thai. Chế độ dinh dưỡng sẽ tùy theo từng sản phụ nhưng phải bảo đảm năng lượng đầy đủ cho bà mẹ và nhu cầu phát triển của thai. Ngoài ra, bác sỹ sẽ thảo luận với bạn về mức tăng cân hợp lý khi mang thai vì:
- Bạn tăng cân quá nhiều sẽ có nguy cơ huyết áp cao, tiểu đường và tăng sức nặng làm việc cho tim. Bạn gầy yếu hoặc tăng cân quá ít sẽ có nguy cơ thai kém phát triển trong tử cung hay nhẹ cân khi sinh, đồng thời có nguy cơ sinh khó hay biến chứng khi sinh như băng huyết và nhiễm khuẩn.
- Nếu như bạn gầy yếu thì chế độ dinh dưỡng, ăn thêm và tập luyện hợp lý có thể làm tăng cân đến mức cần thiết. Khi quá nhiều cân, bạn không nên áp dụng chế độ ăn kiêng nào trong khi mang thai bởi nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Vì thế, cách tốt nhất là đạt được cân nặng khỏe mạnh hợp lý trước khi mang thai.
2. Tích cực vận động và tập luyện
Nếu bạn có những thói quen tập luyện thể thao từ trước khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục khi mang thai, bởi luyện tập thể thao như đi bộ, bơi, đi xe đạp hay thể dục (aerobic) có thể giúp giảm một số biến chứng như cao huyết áp, tiểu đường khi mang thai, đồng thời giảm bớt căng thẳng và nguy cơ trầm cảm sau đẻ.
Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ khuyên các sản phụ duy trì luyện tập ở mức 30 phút ở cường độ vừa phải mỗi ngày và ít nhất 5 ngày 1 tuần.
Chỉ có những sản phụ có tiền sử nặng về sản khoa trước, hay các dấu hiệu bất thường ở lần mang thai này mới được khuyên không nên luyện tập thể dục. Tại một số bệnh viện phụ sản lớn hiện nay cũng có các chương trình luyện tập dành cho các sản phụ theo các lớp cụ thể.
3. Tranh tiếp xúc với môi trường gây hại đến thai nhi
Ngoại trừ các bệnh lý và bất thường thai nghén được phát hiện, bạn vẫn được khuyến khích làm việc khi mang thai. Không có khuyến cáo nào cho việc ngừng làm việc nếu tình trạng thai kỳ ổn định. Song bạn hãy tránh tiếp xúc với các hóa chất như chì, thủy ngân, các dung môi hóa học, thuốc trừ sâu, hay nguồn phóng xạ.
Tuy nhiên, có thể lưu ý rằng, khi bạn chỉ tiếp xúc với phóng xạ một lần như chụp X – quang ngực thì nồng độ phóng xạ đó không đủ nguy cơ cho thai nhi. Nhưng với phóng xạ điều trị ung thư, nồng độ đó là nguy hiểm. Ngoài ra, bạn cần tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, hay sử dụng chất gây nghiện.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông.